Polly po-cket

Page 2
1. Tìm hiểu về bài thơ:
- Tác giả tiêu biểu cho thế hệ các nhà thơ trẻ của những năm chống Mỹ. Trong thơ của họ nổi bật ý thức tuổi trẻ, vai trò và trách nhiệm của mình trong thời đại và đặc biệt là sự nhận thức của họ đối với đất nước với nhân dân và với cuộc kháng chiến của dân tộc.
- Chủ đề “đất nước” bao trùm trong thơ Việt Nam 1945-1975. Tuy nhiên, bài thơ này được viết trong thời kì chống Mĩ nên nó mang dấu ấn của một thời với cách nhận cảm của thế hệ trẻ qua chính những trắc nghiệm trong cuộc kháng chiến chống Mĩ. Cốt lõi của những bài thơ này là tư tưởng nhân dân đã chi phối toàn bộ những cảm hứng chủ đạo cũng như câu tứ và hình tượng thơ.
- Vào những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Mĩ, hàng loạt các trường ca ra đời. Điểm khác biệt là các tác phẩm này không dựa vào cốt truyện tự sự mà nó viết theo sự vận động ý thức của tác giả. “Mặt đường khát vọng” là sự thức tỉnh của thanh niên trí thức thành thị miền Nam trước hiện tình của đất nước. Họ nhận rõ kẻ thù, ý thức về đất nước về nhân dân đồng thời đề ra trách nhiệm cho thế hệ là phải đứng dậy tranh đấu.
Bài thơ này là sự cảm nhận, phát hiện về đất nước trong cái nhìn tổng hợp và toàn vẹn, nó mang đậm tư tưởng nhân dân. Bài thơ đã sử dụng các yếu tố của văn hóa, văn học dân gian một cách sáng tạo và rất thích hợp với tư tưởng nhân dân của tác phẩm.

2. Phần thứ nhất
+ Bốn câu thơ đầu viết dài ra những câu văn xuôi êm ả, như lời kể chuyện cổ tích, trầm lắng, tha thiết, ngọt ngào. Mỗi câu thơ đều có từ “Đất Nước” và do đó, cả bốn câu bị chi phối, bị cuốn hút, bị bện chặt bởi cái chủ đề đất nước. Những câu thơ dài, mênh mông, không có sự hiệp vần. Nó là một câu chuyện kể.
+ Đoạn thơ mở đầu bình dị tạo nên một sự gần gũi thân thiết chứ không trang trọng dõng dạc như Nguyễn Trãi trong “Bình Ngô Đại Cáo”. Đất Nước trong trừu tượng, nó ở ngay trong cuộc sống của chúng ta. Từ lời kể của mẹ, miếng trầu của bà cho đến phong tục tập quán rất riêng (tóc bới sau đầu). Đất nước là tình nghĩa thủy chung của cha mẹ, là hạt gạo ta ăn hàng ngày, là cái kèo, cái cột trong nhà v…v…
+ Hai câu thơ đóng và khép của đoạn đầu tạo dựng được không khí.
“khi ta lớn lên” là thời điểm hiện tại “Đất Nước đã có rồ” là thời gian quá khứ. “Đất Nước có từ ngày đó” là đẩy đối tượng vào dòng thời gian hun hút xa xăm. Điều khẳng định về Đất Nước là “Có rồi”, “Có từ ngày đó”, “Có trong cái ngày xửa ngày xưa”… Đất Nước vừa cụ thể vừa huyền ảo.
+ Tiếp đó là sự cảm nhận Đất Nước từ các phương diện địa lí - lịch sử. Tác giả định nghĩa Đất Nước không giống các nhà chuyên môn về lịch sử - địa lí đã đành mà cũng không định nghĩa theo hướng khái quát trong “Bình Ngô Đại Cáo” của Nguyễn Trãi.
Tác giả chia cắt thành tố “Đất” và “Nước” trong bản thân từ “Đất Nước”. Cách chiết từ này có thể dẫn đến sự sai lầm hoặc giản đơn hóa khái niệm. Nhưng tư duy nghệ thuật lại làm cho định nghĩa Đất Nước trở nên vô cùng sinh động và độc đáo (Đất Nước đã được cụ thể hóa cao độ và đem đến một thông báo rất mới mẻ có tác động đến tình cảm thẩm mĩ cao).
- Đất Nước được cảm nhận trên phương diện không gian và thời gian, địa lí và lịch sử:
Thời gian đằng đẵng
Không gian mênh mông
Từ huyền thoại:
Lạc Long Quân và Âu Cơ
Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng
Cho đến truyền thuyết vua Hùng và ngày giỗ Tổ (10-3 âm lịch)
Hàng năm ăn đâu làm đâu
Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ
(truyền thuyết vua Hùng đã được nhắc lại ở phần hai của bài thơ: Chín mươi chín con voi góp mình dựng đất Tổ Hùng Vương).
Kết hợp với sự khẳng định “đã có rồi” ở trên kia, tác giả muốn nói lên bề dày, chiều sâu lịch sử của nước Việt Nam chúng ta.
Về mặt không giân địa lí đất nước không chỉ là núi rừng: “Con chim phương hoàng bay về hòn núi bạc”, không chỉ là biển cả: “Con cá ngư ông móng nước biển khơi” mà còn là không gian rất gần gũi với cuộc sống mỗi người.
Đất là nơi anh đến trường
Nước là nơi em tắm
Đó là nơi nảy nở tình yêu lứa đôi.
Đất nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm (một không gian rất nhỏ, chỉ có hai người biết, hai người hay). Đó cũng là không gian sinh tồn của cộng đồng dân tộc qua bao nhiêu thời gian, bao nhiêu thế hệ:
Những ai đã khuất
Những ai bây giờ
Yêu nhau và sinh con đẻ cái
Gánh vác phần người đi trước để lại
Dặn dò con cháu chuyện mai sau
Tác giả đã sử dụng những câu ca dao, những nội dung truyền thuyết dân gian với một ngôn ngữ rất tự nhiên nhuần nhị. Chính vì thế mà những câu thơ vừa có cá tính sáng tạo mới mẻ vừa mang nét gần gũi thân thương.
- Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn
- Đất nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm (bài ca dao khăn thương nhớ ai)
+ Tìm giá trị của Đất Nước trên cái khoảng rộng của không gian và cái chiều dài chiều sâu của thời gian (một không gian có tính chất địa lí và một thời gian có tính chất lịch sử). Đất Nước là sự thống nhất các phương diện văn hóa truyền thống, phong tục các đời thường hàng ngày và cái vĩnh hằng mãi mãi, giữa sự sống của cá thể và sự sống của cộng đồng...
Ý thơ tập trung vào tụ điểm cuối cùng của tư tưởng trong phần một của bài thơ.
Trong anh và em hôm nay
Đều có một phần của Đất Nước
Thì ra Đất Nước có trong mỗi cá nhân, Đất Nước kết tinh trong mỗi con người. Bởi vì mỗi cá nhân không chỉ là riêng mình mà còn là của Đất Nước. Mỗi cuộc đời đều thừa hưởng được những giá trị vật chất và tinh thần của dân tộc. Cho nên tác giả nhắn nhủ chúng ta phải có trách nhiệm với Đất Nước. Lời nhắn nhủ ấy là với “em” nên nó có tính chất tâm sự riêng tư không lên gân giả tạo theo kiểu giáo huấn.
Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình
Phải biết gắn bó và san sẻ
Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở
Làm nên Đất Nước muôn đời...